Thiên đường biển du lịch Maldives

0
0
Vinh GấuVinh Gấu2 years ago
Thiên đường biển du lịch Maldives

Hồi giờ chẳng phải lần đầu mình đi du lịch một mình, nhưng một mình đến cái “thiên đường hạ giới” mà người ta đặt cho Maldives thì đúng là mình cũng không nghĩ ra được. Cũng vì cái tội ham rẻ, vé máy bay rẻ, resort rẻ nên…chẳng kịp “thả thính” ai đi cả. Để kể mấy bạn nghe về “Đường đến Maldives” một mình này nhé.

Phần 1: Đường đến Maldives

Đến Maldives như thế nào?

Hiện tại chẳng có chuyến bay thẳng nào từ Vietnam đi Maldives cả, buộc phải transit ở Singapore, Malaysia, Thailand, Hongkong,… Nhưng phổ biến nhất là ở Singapore, Kuala Lumpur và mới đây có thêm Bangkok.

Mình đến sân bay Don Muang vào lúc 10h30 tối, qua đêm ở chiếc dorm cách sân bay khoảng vài phút đi bộ với giá 200k/đêm. Bangkok mùa này nóng banh nòng nên kiếm chỗ tắm rửa ngả lưng cho khỏe để 9h sáng hôm sau còn bay đi Maldives.

Từ Bangkok đến Maldives gần 5 tiếng bay. Giờ ở Maldives là (GMT +5), nghĩa là chậm hơn giờ Bangkok 2 tiếng nên lúc mình đến Maldives là 12h trưa hôm đó.

Mình thấy việc mình đến sân bay Male của Maldives trước 3h chiều là một quyết định sáng suốt, mình có nhiều thời gian hơn để tìm cách di chuyển đến resort thay vì phải ở lại Male một đêm khi bay đến vào các chuyến tối. Hiện tại mình đang thấy có các chuyến bay sớm đến Maldives như này:

Từ Singapore: SilkAir – MI 482 – bay đi lúc 10:10 sáng và đến Maldives lúc 11:35 trưa

Từ Bangkok: Bangkok Airways: PG-711 – bay đi lúc 9:30 sáng và đến Maldives lúc 11:45 trưa

AirAsia: FD 177 – bay đi lúc 9:30 sáng và đến Maldives lúc 11:40 trưa

Khi mở cửa sổ lên và thấy bên dưới là một mảng màu xanh của biển với nhiều hòn đảo nhỏ lớn khác nhau là biết mình sắp đến với Maldives thật sự rồi.

Thế là đã hạ cánh xuống sân bay Velana International Airport của Maldives.

Lúc vừa đến thì nhìn sân bay hơi bị…kì kì so với cái người ta gọi Maldives là thiên đường. Nhìn còn tệ hơn cái sân bay Buôn Ma Thuột xứ mình nữa. Chắc hẳn vài năm nữa sẽ khác vì đã thấy họ đang xây dựng nhiều hạng mục khác nhau rồi. Không sao, biển đẹp đang chờ mình. Sau khi đến sân bay Male, mình tìm đến quầy của Resort mình đã book để họ hướng dẫn mình phương tiện di chuyển ra Resort.

Resort mình ở cách xa Male gần 160km nên cách đơn giản và tiện lợi nhất là đi bằng Thuỷ Phi Cơ (Seaplane) – trước giờ chưa bao giờ trải nghiệm món này nên cú này chơi lớn đi luôn. Sau khi gắn tag hành lý, cân ký hành lý và nhận boarding pass, mình lên xe buýt của hãng Trans Maldives Airways để đến “sân bay” của Thuỷ Phi Cơ cách đó không xa.

Vào làm thủ tục check-in để nhận thông tin về giờ bay xong mình tiếp tục chờ đợi. Chuyến bay của mình đến resort là 2h30 chiều.

Có điều thú vị là, giờ giấc các chuyến bay gần như không cố định. Tuỳ vào tình hình khách và thời gian máy bay hạ cánh sớm hay trễ, giờ giấc có thể linh động. Ngồi để ý màn hình thông tin các chuyến bay và loa phát thanh, chuyến bay của mình xuất phát sơm hơn những 45 phút – 1h45 mình bay rồi. Bay với Thuỷ Phi Cơ là một trải nghiệm thú vị. Mỗi máy bay chở khoảng 12 khách với 3 hàng ghế mỗi dãy. Tiếng động cơ khi tăng tốc lấy đà có ồn ào thiệt nhưng cũng hấp dẫn lắm – làm gì được nghe trọn vọn và thật đến thế khi đi với Airbus hay ATR72. Cửa sổ buồng lái còn mở ra cho mát nữa cơ mà. Rồi những lúc cất cánh hạ cánh cũng vui nữa. Ngắm các hòn đảo, resort từ trên cao thì chẳng còn gì thích bằng. Nói chung là, nên thử.

Tóm gọn về hành trình như này:

SGN – DMK: 1 tiếng 30 phút

DMK – MLE: 4 tiếng 30 phút

MLE – Resort: 45 phút – tuỳ vào bạn ở resort nào, ở xa hay không nữa. Vị chi là đâu đó khoảng gần 7 tiếng trên không trung để đi từ Sài Gòn tới Resort ở Maldives.

Có cần xin VISA không?

Hoàn toàn không. Chỉ cần điền thông tin vào Arrival form, chuẩn bị sẵn thông tin về booking khách sạn/resort, chuyến bay về là ô cê hết. Họ chả buồn hỏi mình câu gì mà đóng dấu cái bụp.

99% diện tích Maldives là nước và có rất nhiều đảo nhỏ => cách di chuyển chủ yếu là bằng tàu – phà. Cụ thể thì có 3 cách như này:

_ Phà công cộng: dùng để di chuyển qua lại giữa các đảo gần, khu dân sinh vì thuyền khá nhỏ. Không đi các đảo tư nhân hay resort được.

_ Tàu cao tốc: được đa số các resort sử dụng để đưa đón khách của họ. Tuỳ vào độ sang của resort mà đây có thể là cano, thuyền size lớn,… Giá trung bình tầm 200$/khứ hồi. Resort sang hơn, xa hơn thì giá mắc hơn.

_ Thuỷ Phi Cơ: nghe cái tên là thấy độ sang chảnh rồi. Giá trung bình lên đến 350$/khứ hồi phụ thuộc vào độ sang của resort, độ xa nữa.

Chuyến này xác định là chơi tới nên mình muốn trải nghiệm Thuỷ Phi Cơ xem sao. Chỗ mình ở cách Male 150km, bay 45p: giá 422$/khứ hồi. Bằng tổng chi phí cho 4 chặng bay từ Sài Gòn của mình đến Maldives.

Giao tiếp như thế nào?

Tiếng Anh thôi, các bạn bên này giao tiếp bằng tiếng Anh tốt nên không có gì phải ngại.

Ở đâu bên Maldives?

Cái này là vấn đề quan trọng nhất luôn vì chi phí khách sạn, resort ở Maldives cực kỳ mắc và tốn thời gian để nghiên cứu và so sánh giá lắm. Ngoài chi phí ở ra, còn tính đến chi phí ăn uống và đi lại ra tới resort nữa. Là một bài toán lớn đấy. Thiệt là mình chẳng biết tư vấn hay khuyên các bạn ở đâu cả. Vì nó còn phụ thuộc vào chi phí bạn sẵn sàng bỏ ra cho mỗi đêm ở resort, cho những trải nghiệm khác,… nữa. Mà, gì thì gì cũng nên ở resort ít nhất 2 đêm để có đầy đủ những trải nghiệm nha. 1 đêm thì gấp gáp quá. Còn mình, mình vừa ở Cinnamon Hakuraa Huraa thuộc đảo Muli của Maldives. Nằm cách Male ~150km.

Cinnamon Hakuraa Huraa Maldives
Meemu Atoll, Huraa 20252, Maldives

Thời gian mình đặt phòng ở đây thì đang có offer giảm 55%, chỉ cần ở minimum 2 đêm. Hiện tại offer này vẫn dùng được đến 20 Tháng 12 năm nay nha.

Giá mình đặt ở đây là 822$ cho 3 đêm ở Water Bungalow bao gồm ăn uống ngày 3 bữa, đồ uống mệt nghỉ (beer, cocktail, rượu,…), Free Wifi và các hoạt động khác: snorkeling, water sport, tennis,… Quá rẻ cho những trải nghiệm thú vị. Giá trung bình cho một đêm ở Water Bungalow ở Maldives là khoảng 500$/đêm, ăn mỗi bữa khoảng 50$, wifi khoảng 6$/ngày. Sơ sơ là như vậy, nên với mình, 822$ kia là quá rẻ. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm các resort như là: Paradise Island Resort & Spa (chỗ này nhiều người Việt mình check-in lắm nè), Sheraton Resort & Spa, Olhuveli Beach & Spa Resort,…

Ảnh: Paradise Island Resort & Spa

Paradise Island Resort, Maldives
Paradise Island Resort & Spa Lankanfinolhu North, Maldives

Ảnh: Olhuveli Beach & Spa Resort

Sun Siyam Olhuveli
South Male Atoll, Olhuveli Male, 08400, Maldives

Ở resort luôn có đủ các món ăn chơi nên không lo bị buồn ha. Có bar, có EDM, có sailing, có diving, có snorkeling,… đủ cả.

Làm gì ở đây?

Chuyến này, mình xác định là chỉ cần chơi với Biển thôi là đủ rồi. Dù gì thì đây cũng là điểm khác biệt nhất so với những nơi mình đã đi qua. Nhiệt độ quanh năm ở đây là 29-32 độ C, nhiệt độ nước biển tầm 28 độ C, quá đẹp cho việc bơi lặn rồi.

Đi lặn ngắm rùa biển: Nhiều resort còn làm hang cho rùa biển vào đẻ nữa cơ.

Snorkeling ngắm san hô và các loài cá biển: Dụng cụ snorkeling bạn có thể mượn ở resort miễn phí. Và biển ở Maldives thì trong veo khỏi nói rồi, tha hồ mà ngắm các loài cá biển lạ mắt và những rạng san hô tuyệt đẹp. Thường thì resort sẽ có 2 chuyến chở bạn đi Snorkeling mỗi ngày miễn phí. Nhớ hỏi thời gian khi đến resort nhé.

Island Hopping: là hoạt động mà bạn sẽ được đưa đến những hòn đảo gần đó có dân sinh sống ở trên đó để tìm hiểu về đời sống thường nhật của họ, xem cách họ làm những mái lá dừa như thế nào để kiếm sống…

Đi lặn bình khí (Scuba Dive): đến xứ thiên đường này rồi mà không ôm bình lao xuống biển thì thiệt là phí. Cá nhiều vô kể, san hô thì đẹp miễn bàn. Có điều chi phí cho mỗi lần lặn rất đắt. Trung bình tầm 100$/dive vì ở đây tính chi phí thuê bình khí riêng, thuê đồng hồ lặn riêng, thuê bộ BCD riêng, thuê tàu riêng,… nói chung là chẻ nhỏ ra để thu. Đến đây rồi, tiếc gì không thử?

Đi câu cá lúc hoàng hôn xuống: Chiều xuống đi câu cá trên chiếc thuyền Dhoni của dân địa phương và đi câu cá. Mình không thích môn này nên không có thử.

Đi ngắm cá heo tung tăng nhảy múa giữa biển: Lúc trên thuyền đi ra điểm lặn Scuba Dive mình có gặp đàn cá heo tung tăng nhảy múa, đâu đó khoảng 6 con, thích lắm. Ông lái thuyền bảo là, may mắn lắm mới gặp chúng lúc này và ở đây đó… may mắn thiệt, ít ra là đỡ tốn tiền cho trải nghiệm này.

Ảnh: Google

Tối đến thì ngồi ngoài bờ biển ăn tối, uống rượu và xem các màn trình diễn điệu nhảy của người dân nơi này. Mình xem thì kiểu như múa lân quê mình. Thay vì dùng lân thì ở đây dùng con cá to oành kia, mấy người kia thì kiểu giả vờ như quăng cần câu để câu, rồi là kéo co các loại. Cũng lạ mắt lắm.

Phần 2: Lặn ở Maldives

Bữa hôm đi ngồi lai rai uống beer kể chuyện nhau nghe về những chuyến đi, cô bạn đối diện bảo: “Tui không nhớ gì ở Maldives ngoài cái biển quá đẹp, với tui tới bây giờ, biển Maldives là đẹp nhất”. Mình thì chỉ đồng ý với cái điểm là biển ở Maldives quá sức đẹp, xanh rì, trong veo. Nước biển thường ở nhiệt độ chỉ khoảng 28 độ C, quá thích hợp để lặn biển và tận hưởng cái xứ thiên đường này rồi còn gì. Maldives được biết như là một quốc gia phẳng nhất thế giới, điểm cao nhất ở đây là 2.4 mét so với mực nước biển thôi.

Có tới 1.192 đảo san hô, gom lại thành 26 quần đảo san hô khác nhau và có hình vòng cung. Bởi vậy, 99% diện tích ở đây là…nước.

Sinh vật biển ở đây thì nhiều vô số kể…bao la. Có tới hơn 2.000 loài cá và 200 loài san hô được tìm thấy ở đây. Đặc biệt được quan tâm và thường thấy khi bơi lặn ở đây là các loại rùa biển, cá đuối, cá mập,…

Nhiêu đó lý do đủ để mình nói luôn cho vuông là: Đi Maldives mà không lặn biển thì phí lắm.

Bạn sợ biển sâu, bạn không biết bơi,… thì mặc áo phao vào nhảy xuống biển và snorkeling thôi. Snorkeling là hình thức lặn khá là đơn giản. Chỉ cần một cái ống thở, kính lặn, chân vịt và áo phao thôi. Các món này chỗ resort đều cho bạn mượn miễn phí. Đeo hết mấy món này lên người xong là xuống biển, úp mặt xuống nước và ngắm nghía san hô, nghía các loại cá đầy màu sắc. Hên hên thì sẽ gặp rùa biển.

Thường thì, resort sẽ có 2 chuyến tàu (boat shuttle) mỗi ngày để chở bạn ra lặn xa xa khu resort một xíu. Mỗi trip vầy khoảng 1 tiếng đồng hồ và miễn phí. Khi mượn được thiết bị rồi, bạn có thể snorkel ở khu biển gần nơi bạn ở cũng được. Mực nước biển ở đây chỉ ngang đầu gối hoặc cao hơn gối xíu thôi nhưng mà nhiều cá để bạn ngắm lắm.

A, ở Maldives còn có một hoạt động là “Snorkeling Safari”. Khi book hoạt động này tại resort, tàu sẽ đưa bạn đến nơi snorkeling đẹp nhất gần resort đó, nơi có nhiều cá đẹp và nhiều san hô đẹp. Tất nhiên, đẹp hơn hẳn cái khu mà Boat shuttle họ chở đi miễn phí ở trên. Chuyến này thường là 3 giờ đồng hồ và chi phí khoảng 50$/chuyến.

Mình thì lại thích Scuba Dive ở đây. Đoạn này dành cho các bạn chưa biết hoặc biết in ít về Scuba Dive thôi nha – mấy bạn dive chuyên nghiệp rồi bỏ qua nha. Hiểu đơn giản, scuba dive là lặn với bình khí. Đeo bình khí sau lưng, đeo kính lặn, chân vịt và bắt đầu nhảy xuống biển lặn thôi. Với bình khí đó, mình có thể hít thở và đi sâu xuống biển hơn được.

Điều kiện để trải nghiệm lặn bình khí như này:

Có tí độ liều – vì bạn sẽ xuống sâu lắm, bèo bèo cũng hơn 10m độ sâu dưới biển. Có tí thông minh – vì bạn cần phải hiểu và nhớ cách trao đổi với guide khi dưới biển, hiểu cách sử dụng các thiết bị an toàn,… Guide sẽ hướng dẫn bạn trước khi ôm bình lao xuống biển. Có tiền – vì lặn bình khí ở Maldives rất đắt. Nhưng sẽ cực kỳ đáng để bạn trải nghiệm. Trung bình mỗi dive khoảng 100$, bao gồm: chi phí thuê bình lặn (tank), thuê wetsuit, thuê dive computer, thuê fins/mask,… đại loại là bạn sẽ phải thuê nhiều thứ cho chuyến lặn đó. Và lưu ý, bạn TUYỆT ĐỐI KHÔNG ĐƯỢC BAY trong suốt 24 tiếng kể từ ca lặn cuối cùng của bạn nha. Ví dụ, mình có chuyến bay lúc 2h trưa ngày mai, thì ca lặn cuối cùng của mình sẽ phải kết thúc trước 2h trưa ngày hôm nay. Bạn cần phải luôn nắm rõ điều này để lên kế hoạch lặn bình khí cho phù hợp nhé.

Chuyến Maldives vừa rồi cũng quánh dấu đó là ca lặn đầu tiên ở nước ngoài của mình, điều này làm mình phấn khích lắm luôn. Mình thấy cách người ta tổ chức ca lặn rất hay, cách họ bảo quản và sắp xếp các thiết bị lặn rất chuyên nghiệp. Trên tàu thì luôn có sẵn đội ngũ cứu trợ khi cần thiết, các thiết bị cho Sơ cấp cứu đầy đủ,… Siêu thích luôn!

Trước khi tàu đến điểm lặn, mình được bạn guide brief cực chi tiết và đầy đủ. Nào là dòng nước chạy như thế nào, độ sâu thay đổi ra làm sao, có khả năng nhìn thấy những loài cá nào ở khu vực đó. Chuyến này mình lặn 2 ca, mỗi ca ở mỗi điểm lặn khác nhau.

Đây là bạn guide cho ca lặn của mình. Bạn ấy sẽ chịu trách nhiệm dẫn đường mình đi dưới biển và…nhắc nhở mình không được vượt quá độ sâu cho phép của chứng chỉ lặn của mình (mình có chứng chỉ Open Water rồi, maximum được 18m thôi). Bạn guide này tên là Ruby, người Đài Loan, bạn qua Maldives để dạy lặn trong thời gian nghỉ hè của bạn thôi.

Đây là những gì mình thấy ở 2 điểm lặn này. Điểm đầu tiên là Muli Out. Ở đây mình đã thấy cá mập, cá đuối, rất nhiều đàn cá lạ mắt và nhiều loại san hô đầy màu sắc khác nhau: Medhu Giri và Muli Out.

Maldives có biển đẹp và tầm nhìn tốt quanh năm. Tuy nhiên, đây là một số khoảng thời gian bạn cần lưu ý để chuẩn bị cho chuyến đi có nhiều trải nghiệm tốt nhất:

Tháng 1 – tháng 4: tầm nhìn tốt, biển đẹp, êm

Tháng 12 – tháng 3: mùa khô ở Maldives. Mùa này có tầm nhìn tốt nhất

Tháng 5: thời gian này thì cơ hội gặp cá đuối Manta Rays và cá mập Whale Sharks cao nhất

Tháng 5 – tháng 9: mùa mưa, gió và sóng lớn. Mùa này tầm nhìn hơi chán nhưng vẫn ok để lặn. Tuy nhiên, khó để lên kế hoạch lặn chính xác vì còn phụ thuộc vào thời tiết nữa.

Các điểm lặn đẹp nhất ở Maldives theo PADI gợi ý:

Fotteyo Kandu, Vaavu Atoll – Điểm này không chỉ có san hô và cá mà còn có nhiều hang động có thể lặn xuyên qua được. Loài cá tập trung ở đây nhiều là cá mập, cá ngừ, cá hồng.

Vaavu Atoll
Vaavu Atoll, Maldives

Kuredu Express, Lhaviyani Atoll – Ở đây có nhiều độ sâu khác nhau, tập trung các loại cá như là cá mập, cá đuối, cá ngừ, cá nhồng. Cá đuối Mantas thường xuyên lượn lờ khu này.

Kuredu
Kuredu, Maldives

Okobe Thila, North Male Atoll – Ở đây thường có những dòng nước chảy, xoắn ốc nên bạn có thể cứ vòng vòng khu này quài. Các loại cá dễ gặp ở đây là cá ngừ, cá mập trắng và cá cờ.

Malé Atoll
Malé Atoll, Maldives

Kandooma Thila, South Male Atoll – Những bức tường đá ở đây được những san hô mềm bao phủ. Có rất nhiều cá sòng ở đây. Ngoài ra, bạn còn dễ gặp thêm cá mập xám, cá mập trắng và cá đuối. Ở tầng cao hơn có thể gặp thêm rùa biển nữa.

South Malé Atoll
South Malé Atoll, Maldives

Broken Rock, South Ari Atoll – Điểm nhấn ở đây là vách đá chia đôi rạn san hô. Ở đây thì ngắm nghĩa những bụi san hô lớn, những con cá bàng chài, rùa, cá đuối,…

Alifu Dhaalu Atoll
Alifu Dhaalu Atoll, Maldives

Kudarah Thila, South Ari Atoll – Ở đây có những cái hang lớn và khá tối. Nên mang theo đèn lặn.

Have Story To Share?

Blog with Trip.Social

Blog with Trip.Social

Reach new audiences and maximize your potential.

More from Trip.Social